• Loading...
 
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN 69 NẶM NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VÀ HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 04/01/2019 2:11:00 CH
Lượt xem: 25423

HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

***

 

 

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

69 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN

VÀ HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM (09/01/1950 - 09/01/2019)

----------

Hội Sinh viên Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam,là nhịp cầu kết nối giữa sinh viên với Đảng, Nhà nước; là một lực lượng giáo dục quan trọng trong nhà trường. Thông qua các hoạt động của mình, Hội Sinh viên đã và đang góp phần giáo dục, bồi dưỡng để hình thành lớp học sinh, sinh viên mới “vừa hồng, vừa chuyên”: có lý tưởng, bản lĩnh vững vàng; hoài bão lớn, lối sống đẹp; kiến thức vững vàng, phong phú, tiếp cận nhanh với tri thứcmới;có trách nhiệm với cộng đồng. Bằng các hoạt động thiết thực, phong phú, Hội Sinh viên Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong mỗi bước trưởng thành của phong trào thanh niên Việt Nam. Hiện nay, Hội Sinh viên Việt Nam có 28 Hội Sinh viên cấp tỉnh, 44 tổ chức Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương, 08 Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước (Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Bỉ, Hungari, Anh, Thái Lan) với gần 1,4 triệu hội viên.

Nhìn lại lịch sử 69 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và sự chăm lo, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam đã trưởng thành qua các thời kỳ lịch sử cách mạng và trở thành niềm tự hào của lớp lớp thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam.

Trong giai đoạn 1925 - 1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, nhiều tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời. Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng. Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn TNCS mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng... Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng tám 1945: “... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em...” và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.

Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc. Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra. Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đang dạng hơn. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.

Ngày 9/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối. Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục. Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách:

- Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh.

- Trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại.

- Bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.

Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá", “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”...

Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn -Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.

Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.

Trong giai đoạn này, tổ chức Hội (Đoàn) học sinh, sinh viên kháng chiến được thành lập cả 3 miền Bắc, Trung, Nam lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên không chỉ gây tiếng vang trong cả nước mà còn được sự ủng hộ và hưởng ứng của các tổ chức học sinh, sinh viên, thanh niên tiến bộ trên thế giới.

Trong giai đoạn 1955-1993, học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, hăng hái góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; biểu hiện sinh động thông qua các phong trào, các hoạt động như: xung kích diệt giặc dốt, tiến quân vào khoa học kỹ thuật, xung phong “Tây tiến” làm nhiệm vụ xây dựng, sửa chữa các tuyến đường giao thông, các công trình thuỷ lợi ở các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và đặc biệt là phong trào “Ba sẵn sàng” của sinh viên miền Bắc. Tổng Hội Sinh viên Miền Nam và các tổ chức khác của học sinh, sinh viên đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào học sinh, sinh viên Miền Nam biểu tình chống bắt lính, chống lại chính sách đầu độc, trụy lạc hoá thanh niên của Mỹ - Ngụy, chống sự can thiệp của Mỹ...

Tính đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, mỗi Đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển của sinh viên Việt Nam, của phong trào sinh viên và công tác Hội Sinh viên Việt Nam.

Từ ngày 29-31/7/1955 tại Hà Nội, 244 đại biểu chính thức và 255 đại biểu dự thính của các trường đại học, đại biểu sinh viên miền Nam và đại biểu lưu học sinh ở nước ngoài đã họp Đại hội để thống nhất tổ chức, thống nhất lực lượng và phong trào sinh viên trong toàn quốc. Đại hội quyết định lấy tên mới của tổ chức sinh viên là “Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam”. Đây là bước ngoặt quan trọng của phong trào sinh viên nước ta nhằm tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp sinh viên thành một lực lượng hùng mạnh, đảm đương sứ mệnh lịch sử cao cả mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Từ ngày 5-7/5/1958, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 228 đại biểu chính thức và 200 đại biểu dự thính. Đại hội đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm và huấn thị. Bác dạy: “Lao động trí óc phải kết hợp với lao động chân tay. Học lao động phải có quyết tâm, muốn có quyết tâm thì phải có tinh thần, phải có sáu cái yêu:

- Yêu Tổ quốc: Yêu như thế nào? Yêu là phải làm sao cho Tổ quốc ta giàu mạnh. Muốn cho Tổ quốc giàu mạnh thì phải ra sức lao động, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

- Yêu nhân dân: Mình phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân, biết nhân dân còn cực khổ như thế nào, biết chia sẻ những lo lắng với nhân dân.

- Yêu xã hội chủ nghĩa: Yêu tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu xã hội chủ nghĩa, vì có tiến lên xã hội chủ nghĩa thì nhân dân mình mới ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm.

- Yêu lao động: Muốn thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu xã hội chủ nghĩa thì phải yêu lao động, vì không có lao động thì chỉ là nói suông.

- Yêu khoa học và yêu kỷ luật: Bởi vì tiến lên xã hội chủ nghĩa thì phải có khoa học và kỷ luật…

Cuối cùng, Bác kết luận: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang… Thời đại bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa, thời đại anh hùng (không phải là anh hùng cá nhân). Vậy mong các cháu làm người anh hùng trong thời đại anh hùng”.

Ngày 3/3/1962, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam lần thứ III được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 550 đại biểu.

Từ ngày 6-7/1/1970, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV - Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội rất phấn khởi được đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ đến dự và nói chuyện với các đại biểu.

Sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, các tầng lớp thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên đã tự nguyện tham gia các đội xung kích, hăng hái truy lùng tàn binh địch, giữ gìn trật tự, trị an, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt ở Sài Gòn, đấu tranh bài trừ những tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới, xây dựng cuộc sống vui tươi, lành mạnh.

Từ ngày 22-23/11/1993, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V đã được tổ chức tại Hà Nội sau 23 năm kể từ Đại hội lần thứ IV. Đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự và chỉ đạo Đại hội. Sau Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V, ngày 8 -2-1994, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra thông báo số 86 công nhận Hội Sinh viên Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam.

Trong giai đoạn 1993 - 2004, Phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam có bước phát triển mới, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua các hoạt động, các phong trào thi đua, như: “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đặc biệt là phong trào thanh niên, học sinh sinh viên tình nguyện. Đã có hàng triệu lượt sinh viên, học sinh hăng hái đến các vùng sâu, vùng xa giúp đỡ đồng bào xây dựng nông thôn, phát triển sản xuất, chăm sóc y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, hiến máu nhân đạo...

Từ ngày 22-23/12/1998, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Sinh viên Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 400 đại biểu. Đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự và chỉ đạo Đại hội.

Từ ngày 29- 31/12/2003 và 1/1/2004, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Sinh viên Việt Nam họp tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 550 đại biểu. Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội phát động và tổ chức chỉ đạo 2 phong trào: phong trào “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt” và phong trào “Sinh viên tình nguyện”.

Từ ngày 14 - 16/2/2009, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Sinh viên Việt Nam họp tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 647 đại biểu. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội phát động và tổ chức chỉ đạo 2 cuộc vận động: cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” và “Sinh viên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh”.

Từ ngày 27- 29/12/2013, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ IX được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Đại hội vinh sự được đón đồng chí Nguyễn Sinh Hùng- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namdự và phát biểu chỉ đạo. Với tinh thần “Sinh viên Việt Nam học tập - sáng tạo - tình nguyện - hội nhập” Đại hội đã phát động phong trào “Sinh viên 5 tốt” với các tiêu chí: đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt .

Từ ngày 09-11/12/2018, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứX được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội, khẳng định vai trò to lớn của sinh viên Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong các thời kỳ cách mạng và trong nhiệm kỳ qua. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Với những kết quả tích cực đạt được, Hội Sinh viên Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò đại diện cho tiếng nói, phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên; tích cực tham gia công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng của sinh viên - lực lượng trí thức trẻ trong xã hội chúng ta”. Đại hội đã quyết định tiếp tục triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”, chương trình“Chương trình tư vấn, hỗ trợ sinh viên” và chương trình “Chương trình xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh”.Đại hội đã tín nhiệm hiệp thương bầu 98 đồng chí có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực vào Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa X;bầu Ban Kiểm tra Trung ương Hội khoá X gồm 15 đồng chí. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ nhất khóa X đã bầu 30 đồng chí vào Ban Thư ký Trung ương Hội; bầu đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn giữ chức vụ Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khóa X; bầu 5 đồng chí Phó Chủ tịch và đồng chí trưởng ban Kiểm tra Trung ương Hội.

Từ Đại hội IX đến nay Hội Sinh viên Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình mở các chuyên mục, các bài viết, phóng sự, diễn đàn nhằm tuyên truyền, giới thiệu về phong trào “Sinh viên 5 tốt”, xây dựng hướng dẫn triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt” với các tiêu chí phù hợp với từng điều kiện của cơ sở. Theo thống kê từ năm 2014 - 2018 các cơ sở Hội tổ chức được 8.829 hoạt động tuyên truyền về phong trào thu hút được 1.975.114 sinh viên tham gia; có 2.108.485 sinh viên đăng ký tham gia phong trào. Các cấp bộ Hội đã tuyên dương 319 “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương, 7.496 “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh, thành, Đại học khu vực, 101.722 “Sinh viên 5 tốt” cấp trường;2.888 “Tập thể Sinh viên 5 tốt”các cấp. Phong trào “Sinh viên 5 tốt” có tác động lớn đến nhận thức, ý thức phấn đấu của đông đảo sinh viên, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao. Các mặt công tác Hội và phong trào sinh viên tiếp tục phát triển, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và hiệu quả thiết thực.

Nhìn lại 69 năm xây dựng và phát triển của phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, chúng ta tự hào trong bất kỳ hoàn cảnh nào, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng, đó là:

- Truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành với lý tưởng của Đảng.

- Truyền thống hiếu học, say mê sáng tạo, nghiên cứu để vươn tới đỉnh cao của khoa học, công nghệ, văn học - nghệ thuật, thể dục thể thao... tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong học tập nghiên cứu khoa học.

- Tinh thần sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng bào, nhân dân. Đã có nhiều tấm gương quên mình giúp dân, hình ảnh sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi, hiến máu tình nguyện, chiến sỹ mùa hè xanh trong các dịp hè đã trở thành hình ảnh đẹp trong xã hội; có nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường tham gia các đội hình tri thức trẻ tình nguyện đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo có nhiều tấm gương trong sáng giúp bạn học tập trong nhiều năm liền như giúp người thân trong gia đình.

Với những đặc điểm lich sử và tính chất đặc thù của tổ chức, năm 1994, Hội Sinh viên Việt Nam được công nhận là tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam. Năm 2000, Hội Sinh viên Việt Nam đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý “Huân chương độc lập hạng nhất”, năm 2005 được tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” và năm 2010 được tặng thưởng “Huân chương Sao vàng”.

Theo http://hoisinhvien.com.vn/

 

------------

THƯ VIỆN VIDEO