• Loading...
 
Qui chế quản lý, sử dụng tài sản công tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 27/05/2022 5:03:00 CH
Lượt xem: 173

 

BCH ĐOÀN TỈNH YÊN BÁI

TRUNG TÂM HOẠT ĐỘNG THANH THIẾU NHI

***

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

 

Yên Bái, ngày 10 tháng 5 năm 2022

 

QUY CHẾ

Quản lý, sử dụng tài sản công

tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái

(Ban hành kèm theo Quyết định số:05-QĐ/TTHĐTTN ngày 10/5/2022

của Giám đốc Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái)

--------

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Căn cứ xây dựng Quy chế.

1. Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

2. Căn cứ Luật số 15/2017/QH14 ngày 21 tháng 06 năm 2017 của Quốc Hội về quản lý, sử dụng tài sản công;

3. Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công;

4. Căn cứ Quyết định số 984-QĐ/TU, ngày 27/12/2017 của Tỉnh uỷ Yên Bái về việc sáp nhập Nhà thiếu nhi tỉnh và Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh thành Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái;

5. Căn cứ Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 09/1/2019 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án “Chuyển sang tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng xã hội hoá cao, giai đoạn 2019 -2025”;

6. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của đơn vị;

7. Căn cứ thực trạng và yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị;

8. Căn cứ dự toán ngân sách được giao hàng năm.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu.

1. Thực hiện minh bạch, công khai trong quản lý, sử dụng tài sản công theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, có hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng. 

3. Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của đơn vị bao gồm các quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng tài sản công theo các quy định hiện hành được áp dụng thống nhất trong đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

4. Tạo quyền chủ động cho viên chức, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 3. Phạm vi áp dụng.

Quy chế này được áp dụng đối với cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái.   

Điều 4. Nguồn hình thành tài sản công tại đơn vị.

1. Tài sản công bằng hiện vật do Nhà nước giao theo quy định áp dụng đối với cơ quan nhà nước tại Điều 29 của Luật quản lý tài sản công số 15/2017/QH14, ngày 21/6/2017 của Quốc Hội.

- Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật trong trường hợp thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức.

- Tài sản nhà nước giao cho đơn vị sử dụng bao gồm: Tài sản là đất xây dựng trụ sở, tài sản là đất có mặt nước chuyên dùng, tài sản là đất xây dựng các công trình sân vườn, đường dạo, sân chơi…. Tài sản là nhà cửa gồm: Nhà làm việc, hội trường, lớp học, nhà khách thanh niên, các phòng chức năng,…Vật kiến trúc gồm: Sân bê tông, sân vườn, đài phun nước, đường điện, hàng rào, kè hồ, bể bơi…Tài sản là máy móc thiết bị gồm: Thiết bị điện tử, điều hòa, âm thanh, ánh sáng, thiết bị điện sáng…và các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản khác của đơn vị được giao hoặc mua sắm theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 5: Nguyên tắc quản lý và sử dụng tài sản công.

1. Ban Giám đốc thống nhất giao Phòng Hành chính - Tổ chức, quản trị là đầu mối thống nhất việc quản lý, sử dụng tài sản của đơn vị.

2. Việc sử dụng tài sản phải đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm và hiệu quả.

3. Tài sản sử dụng phải được bảo dưỡng, sửa chữa, giữ gìn, bảo quản tốt theo chế độ quy định của nhà nước.

4. Đơn vị thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công phải công khai, minh bạch, mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý và sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

5. Nghiêm cấm việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của đơn vị dưới mọi hình thức.

6. Thủ trưởng cơ quan quyết định hoạt động mua sắm, thanh lý, điều chuyển tài sản của đơn vị, trên cơ sở đề xuất hợp lý của các phòng chức năng phù hợp với điều kiện thực tế đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành.

7. Khi kết thúc năm tài chính tài sản của đơn vị phải được kiểm kê và tính hao mòn theo đúng chế độ quy định.

8. Đơn vị thực hiện báo cáo thường xuyên tình hình quản lý, sử dụng tài sản công và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

 

CHƯƠNG II

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI ĐƠN VỊ

 

Mục 1. Đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản tại đơn vị.

 

Điều 6. Mua sắm tài sản công tại đơn vị.

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, quyết định mua sắm tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

2. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Thủ tục quyết định và tổ chức thực hiện mua sắm tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của nhà nước.

4. Nguồn kinh phí mua sắm tài sản công được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị thực hiện theo quy định.

Điều 7. Thuê tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị.

1. Thẩm quyền quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị được thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Thủ tục quyết định thuê tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

3. Nguồn kinh phí thuê tài sản được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị.

Điều 8. Khoán kinh phí sử dụng tài sản công tại đơn vị.

1. Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản công tại đơn vị được thực hiện theo quy định chung.

2. Nguồn kinh phí khoán sử dụng tài sản công được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị.

 

Mục 2. Sử dụng tài sản công tại đơn vị.

 

Điều 9. Quản lý vận hành, chuyển đổi công năng sử dụng tài sản công tại đơn vị.

1. Việc quản lý, vận hành tài sản công tại đơn vị được thực hiện theo quy định. Trên cơ sở Ban Giám đốc thống nhất báo cáo cơ quan chủ quản để thực hiện, các Phòng chức năng có trách nhiệm quản lý, vận hành, sử dụng tài sản được giao đảm bảo hiệu quả đúng mục đích.

- Việc khai thác sử dụng đất đai, hồ nước, nhà cửa, các công trình vật kiến trúc, máy chiếu, máy poto, bàn ghế học sinh, bàn ghế hội trường, điều hòa trong các lớp học, hội trường, nhà khách, giường tủ nhà khách và các tài sản dùng chung khác, Ban Giám đốc giao Phòng hành chính - Tổ chức, quản trị quản lý, theo dõi trên sổ sách kế toán và trên thực tế sử dụng tại đơn vị, đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Hành chính có trách nhiệm kiểm tra việc quản lý, sử dụng và tham mưu sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời những tài sản nói trên.

- Việc sử dụng các thiết bị phục vụ chuyên môn như âm thanh, ánh sáng, phòng thu, đàn, kèn đội, tủ, bàn, ghế làm việc, điều hòa, máy tính và các tài sản khác được giao cho cá nhân và các phòng chức năng trên sổ tài sản của các phòng, các cá nhân và các phòng có trách nhiệm theo dõi quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

- Nghiêm cấm các hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân.

2. Việc chuyển đổi công năng sử dụng tài sản công tại đơn vị phải được thực hiện trên nhu cầu thực tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đúng với quy định hiện hành.

Điều 10. Quản lý, sử dụng tài sản gắn liền với đất và giá trị quyền sử dụng đất tại đơn vị vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

1. Việc sử dụng tài sản gắn liền với đất và giá trị quyền sử dụng đất tại đơn vị vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải thuộc trường hợp quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Trường hợp sử dụng tài sản gắn liền với đất để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì phải nộp tiền thuê đất tương ứng với thời gian sử dụng, tỷ lệ diện tích nhà, công trình sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật về thu tin thuê đất, thuê mặt nước kể từ thời điểm có quyết định sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh hoặc kể từ thời điểm ký hợp đồng cho thuê, hợp đồng liên doanh, liên kết.

Điều 11. Yêu cầu khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Một số yêu cầu được quy định chi tiết như sau:

1. Không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao: Đơn vị phải hoàn thành tốt các kế hoạch, nhiệm vụ, theo chức năng nhiệm vụ Tỉnh giao.

2. Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị: Sử dụng đúng công năng của tài sản khi được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm hoặc được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, bao gồm cả các hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và thực hiện theo hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền.

3. Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản công quy định:

a. Đơn vị sử dụng tài sản công trong thời gian không phải thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao.

b. Thời gian, cường độ sử dụng tài sản cho việc thực hiện nhiệm vụ phải cao hơn khi chưa thực hiện kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

c. Cung cấp được nhiều dịch vụ công hơn cho xã hội.

4. Thực hiện theo cơ chế thị trường quy định tại điểm h khoản 2 Điều 55 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

a. Xác định giá cho thuê tài sản công phù hợp với giá cho thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.

b. Xác định giá trị tài sản khi liên doanh, liên kết phải phù hợp với giá trị thực tế của tài sản trên thị trường.

c. Tài sản sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được trích khấu hao theo quy định.

Điều 12. Việc lập Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

1. Trách nhiệm lập đề án: Khi đơn vị có nhu cầu sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sẽ thực hiện theo biểu mẫu quy định và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

2. Đối với tài sản công sử dụng vào mục đích cho thuê: Khi đơn vị có 01 hạng mục công trình chưa khai thác sử dụng hết công suất, hoặc chưa đủ nhân lực để thực hiện, thời hạn cho thuê (trên 15 ngày đến dưới 6 tháng), giá trị tiền thuê dưới 10 triệu đồng/tháng, thì Đơn vị lập Phương án gửi cơ quan chủ quản phê duyệt đồng thời gửi Sở Tài Chính để báo cáo và thực hiện.

Khi Đơn vị có từ 02 hạng mục công trình cần cho thuê dài hạn, giá trị cho thuê trên 10 triệu đồng/tháng, thời hạn cho thuê trên 06 tháng trở lên, thì Đơn vị lập Đề án trình cơ quan chủ quản và Sở Tài chính tỉnh xem xét trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ triển khai thực hiện. Tài sản cho thuê ngắn hạn dưới (15 ngày), thì thực theo Quy định thu dịch vụ tại Đơn vị.

3. Đối với tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết:

a. Đơn vị lập Đề án báo cáo cơ quan quản lý cấp trên và Sở Tài chính xem xét, gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết, cơ quan chủ quản và Sở Tài chính trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

c. Hồ sơ gửi xin ý kiến và thời hạn tiếp nhận ý kiến phản hồi của các cấp có thẩm quyền về hồ sơ của Đề án thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 13. Sử dụng tài sản công tại đơn vị vào mục đích kinh doanh.

1. Tài sản công tại đơn vị được sử dụng vào mục đích kinh doanh được quy định chi tiết như sau:

a. Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất là những tài sản được Nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo đúng quy định của pháp luật nhưng chưa sử dụng hết công suất mà không thể áp dụng hình thức thu hồi, điều chuyển.

b. Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động kinh doanh mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.

2. Căn cứ đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, Thủ trưởng đơn vị quyết định cụ thể việc sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh.

3. Số tiền thu được từ việc sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, sau khi chi trả các chi phí hợp lý có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, phần còn lại, đơn vị sự được quản lý, sử dụng theo quy định cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp.

Điều 14. Sử dụng tài sản công tại đơn vị vào mục đích cho thuê.

1. Tài sản công tại đơn vị được quy định chi tiết như sau:

a. Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất.

b. Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.

2. Căn cứ Đề án và Phương án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê  được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, thủ trưởng đơn vị sẽ quyết định cụ thể việc cho thuê tài sản công.

3. Việc cho thuê tài sản công tại đơn vị được thực hiện theo các hình thức sau:

a. Đấu giá áp dụng đối với gói cho thuê tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp.

b. Cho thuê trực tiếp áp dụng trong các trường hợp sau: Tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị; cho thuê từng hạng mục thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp (Bể bơi, hội trường, phòng họp, phòng hội thảo, nhà khách...) trong thời gian dưới 15 ngày hoặc từ 15 ngày trở lên đến dưới 6 tháng.

Thủ trưởng đơn vị xác định và niêm yết giá cho thuê tại trụ sở đơn vị; đồng thời, thông báo công khai giá cho thuê tài sản trên trang thông tin của đơn vị.

4. Giá cho thuê tài sản được xác định như sau:

a. Giá trúng đấu giá trong trường hợp cho thuê theo hình thức đấu giá;

b. Giá cho thuê được niêm yết, thông báo công khai trong trường hợp cho thuê trực tiếp.

Giá khởi điểm để đấu giá, giá cho thuê được niêm yết, thông báo công khai do thủ trưởng đơn vị phê duyệt phù hợp với giá cho thuê ph biến tại thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.

5. Việc cho thuê tài sản phải được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật.

6. Chi phí hợp lý có liên quan đến việc cho thuê tài sản gồm:

a. Chi phí khấu hao tài sản cố định cho thuê;

b. Chi phí định giá, thẩm định giá, đấu giá tài sản cho thuê;

c. Chi phí quản lý, vận hành tài sản trong thời gian cho thuê;

d. Chi phí hợp lý khác có liên quan.

7. Số tiền thu được từ việc cho thuê tài sản, sau khi chi trả các chi phí hợp lý có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phần còn lại, đơn vị được quản lý, sử dụng theo quy chế chi tiêu của đơn vị.

Điều 15. Sử dụng tài sản công tại đơn vị vào mục đích liên doanh, liên kết.

1.Tài sản công tại đơn vị được sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết  được quy định chi tiết như sau:

a. Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế theo quy định

b. Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.

c. Việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao được xác định theo quy định.

2. Căn cứ đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định thủ trưởng đơn vị quyết định cụ thể việc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết.

3. Lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết.

a. Sau khi có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, đơn vị thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết trên trang thông tin của đơn vị, cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan trung ương, địa phương, trang thông tin điện tử về tài sản công của Bộ Tài chính. Thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Thông tin của đơn vị có tài sản liên doanh, liên kết;

- Tài sản dự kiến liên doanh, liên kết;

- Phương án liên doanh, liên kết;

- Tiêu chí lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết theo quy định tại điểm c khoản này;

- Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký.

b. Đơn vị căn cứ hồ sơ đăng ký tham gia liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân để lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn của mình.

c. Tiêu chí lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết bao gồm:

- Năng lực, kinh nghiệm của đối tác trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết;

- Hiệu quả của phương án tài chính;

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết của đối tác bảo đảm cho việc liên doanh, liên kết;

- Phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết;

- Các tiêu chí khác phù hợp với mục đích liên doanh, liên kết, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị do đơn vị có tài sản công quyết định.

4. Các hình thức sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết:

a. Hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới, các bên sử dụng tài sản của mình để thực hiện liên doanh, liên kết và tự quản lý, sử dụng tài sản của mình, tự bảo đảm các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và được chia kết quả từ hoạt động liên doanh, liên kết theo hợp đồng;

b. Hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới, các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; các tài sản này được các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng kiểm soát việc quản lý, sử dụng;

c. Hình thức liên doanh, liên kết hình thành pháp nhân mới, các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; pháp nhân mới có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và Hợp đồng liên doanh, liên kết.

5. Quản lý, sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết:

Đơn vị thực hiện liên doanh, liên kết thì việc quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Hợp đồng liên doanh, liên kết và các quy định pháp luật có liên quan.

6. Tài sản tham gia liên doanh, liên kết của đơn vị là quyền sử dụng đất, công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết thuộc về Nhà nước. Đối với các tài sản khác sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết được xử lý theo quy định hiện hành.

7. Chi phí hợp lý có liên quan đến việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết gồm:

a. Chi phí khấu hao tài sản cố định;

b. Chi phí định giá, thẩm định giá, đấu giá tài sản;

c. Chi phí quản lý, vận hành tài sản trong thời gian liên doanh, liên kết;

d. Chi phí hợp lý khác có liên quan.

8. Số tiền thu được từ việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, sau khi chi trả các chi phí hợp lý có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phần được chia còn lại của đơn vị được quản lý, sử dụng theo quy chế chi tiêu của đơn vị.

 

Mục 3. Xử lý tài sản công tại đơn vị.

 

Điều 16. Thu hồi tài sản công tại đơn vị.

1. Việc thu hồi tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản tại đơn vị thực hiện theo quy định.

Điều 17. Điều chuyển tài sản công tại đơn vị.

1. Việc điều chuyển tài sản công tại đơn vị thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Không thực hiện điều chuyển đối với tài sản công đang trong thời hạn thực hiện cho thuê, liên doanh, liên kết đúng quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền quyết định,trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản công tại đơn vị được thực hiện theo quy định.

Điều 18. Bán tài sản công tại đơn vị sự.

1. Việc bán và thẩm quyền quyết định bán tài sản công tại đơn vị sự thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Riêng tài sản được hình thành từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc từ nguồn vốn vay, vốn huy động theo quy định (trừ cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô), thủ trưởng đơn vị được quyết định bán.

3. Trình tự, thủ tục và việc tổ chức bán tài sản công tại đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành.

4. Việc xử lý tài sản công tại đơn vị trong trường hợp đấu giá không thành được thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Điều 19. Thanh lý tài sản công tại đơn vị.

1. Việc thanh lý tài sản công tại đơn vị được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công là nhà làm việc, công trình sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô, tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản thực hiện theo quy định. Thủ trường đơn vị quyết định thanh lý đối với các tài sản khác.

3. Trình tự, thủ tục và việc tổ chức thanh lý tài sản công tại đơn vị  thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 20. Tiêu hủy tài sản công tại đơn vị.

1. Việc tiêu hủy tài sản công, thẩm quyền quyết định và nội dung quyết định tiêu hủy, tổ chức tiêu hủy tài sản công tại đơn vị thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

2. Kinh phí tiêu hủy tài sản công tại đơn vị được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị.

Điều 21. Xử lý tài sản công tại đơn vị trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

Việc xử lý, thẩm quyền quyết định và trình tự thủ tục xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 22. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công tại đơn vị.

Việc quản lý, sử dụng s tiền thu được từ xử lý tài sản công tại đơn vị thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ tại đơn vị.

 

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 23. Tổ chức thực hiện.

1. Quy chế này được công khai, phổ biến đến cán bộ, viên chức, người lao động đơn vị. Cán bộ, viên chức, người lao động đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh quy chế này. Phòng Hành chính - Tổ chức, quản trị có trách nhiệm theo dõi kiểm tra giám sát việc thực hiện Quy chế.

2. Quy chế này sẽ được gửi cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lý liên quan để theo dõi kiểm tra giám sát, trong thời gian 15 ngày kể từ ngày ban hành Quy chế, nếu cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý liên quan không có ý kiến chỉ đạo thì đơn vị sẽ triển khai thực hiện theo quy định.

3.Trong quá trình thực hiện có những vấn đề gì vướng mắc, chưa phù hợp Quy chế sẽ được xem xét bổ sung, sửa đổi theo thực tế./.

                                                                 

 

 

 

Thông báo khác

  • Lịch công tác của Ban Giám đốc Trung tâm tháng 4/2024
  • Báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc tháng 3/2024
  • Lịch công tác của Ban Giám đốc Trung tâm tháng 03/2024
  • Báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc tháng 02/2024
  • Lịch công tác của Ban Giám đốc Trung tâm tháng 02/2024
  • Báo cáo Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc tháng 01/2024
  • Lịch công tác của Ban Giám đốc Trung tâm tháng 01/2024
  • Lịch công tác của Ban Giám đốc Trung tâm tháng 12/2023
  • Báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc tháng 11/2023
  • Lịch công tác của Ban Giám đốc Trung tâm tháng 11/2023
  • Báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc tháng 10/2023
  • Báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc tháng 9/2023
  • Lịch hoạt động của Ban Giám đốc Trung tâm Tháng 10/2023
  • Lịch công tác của Ban Giám đốc Trung tâm tháng 9/2023
  • Báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Gíam đốc tháng 8/2023
  • Lịch của Ban Giám đốc Trung tâm tháng 7/2023
  • Lịch công tác của Ban Giám đốc Trung tâm tháng 6/2023
  • Báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc tháng 4/2023
  • Kế hoạch Phân công thực hiện Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 28/12/2022 của Tỉnh ủy Yên Bái về việc tổ chức, sắp xếp lại đầu mối bên trong Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái
  • Báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc tháng 02/2023
  • 1-20 of 60<  1  2  3  >

    THƯ VIỆN VIDEO